Site banner

NGƯỜI BẾN TRE

Nhà thơ - Chiến sĩ Huỳnh Văn Nghệ có 02 câu thơ rất nổi tiếng như sau:

“Từ thưở mang gươm đi mở cõi

Trời Nam thương nhớ đất thăng Long”

Thật vậy, vùng đất mới phương Nam của chúng ta là một vùng đất khai hoang mở cõi hơn 300 năm nay. Nơi phương Nam xa xôi của tổ quốc lại có 3 dãy cù lao trù phú mà chẳng giống với bất kì nơi đâu. Không giống bởi vì, nơi đây có một đặc trưng riêng biệt đã trở thành một phần trong ký ức của những con người Việt Nam. Đó chính là vùng đất được bao phủ bởi những rặng dừa xanh mướt, không biết đã có tự bao giờ. Vùng đất ấy được gọi với một tên da diết và dễ mến đó chính là Bến Tre.

Vùng đất Bến Tre đã đi vào trong những câu hát ngọt ngào của tác giả Nguyễn Văn Tý qua bài Dáng đứng Bến Tre. Có đoạn như sau:

“Ai đứng như bóng dừa tóc dài bay trong gió

Có phải người còn đó là con gái của Bến Tre

Năm xưa đi trong đạn lửa đi như nước lũ tràn về

Ôi những con người làm nên Đồng Khởi

Ơi, những cây dừa để lại cho ta bóng quê”

Ta trở về với Bến Tre, về quê hương của Đồng Khởi, nơi người con gái năm xưa đi trong lửa đạn. Nhắc về Bến Tre, để thêm yêu những con người anh hùng đã viết tên mình trong lịch sử với khí phách hiên ngang, bất khuất; về Bến Tre để hòa cùng nhịp sống với người dân Nam bộ chất phác, cần cù và để sống cùng những nét văn hóa đặc sắc và truyền thống hiếu học có tự bao đời nay. Và để góp thêm vào bộ sưu tập những tác phẩm có giá trị được viết riêng cho xứ dừa mà tác giả Lê Minh Quốc đã viết nên quyển “Người Bến Tre” - một cuộc hành trình giúp ta trở về nguồn cội, tái hiện chân thật về lịch sử và con người của một vùng đất “địa linh - nhân kiệt”

Là một người con của vùng đất Bến Tre, bản thân tôi cảm nhận sâu sắc về vùng đất nơi mình sinh sống. Để hiểu rõ về vùng đất và con người Bến Tre, tôi đã tìm đọc nhiều tài liệu về vùng đất nơi đây. Nhưng có một tài liệu tôi khá tâm đắc đó là quyển sách Người Bến Tre của tác giả Lê Minh Quốc, Quyển sách đi từ nơi xuất phát điểm của vùng đất, lý giải cho ta biết về sự hình thành, tên gọi và sự di cư mở cõi của ông cha ta từ thuở trước bằng những tư liệu cũ, khảo cổ và được chắt lọc một cách logic lại với nhau. Tác phẩm “Người Bến Tre” là tập khảo cứu dày 493 trang, khổ 16 x 24cm do nhà báo, nhà văn Lê Minh Quốc chủ biên và được Nhà xuất bản Trẻ phát hành vào năm 2020, in trên chất liệu bên ngoài là mặt giấy cứng chữ in nổi, bên trong là mặt giấy mềm tráng mịn tạo sự dày dặn, chắc chắn màu sắc mang hơi hướng cổ điển. Phía dưới tên tác giả Lê Minh Quốc là tên sách Người Bến Tre nổi bậc với màu đỏ in nổi, tranh bìa minh hoạ của sách được lấy từ quyển “Lục Vân Tiên cổ tích truyện” - một tác phẩm của hoạ sỹ Lê Đức Trạch vẽ năm 1899 đang được lưu trữ ở Viện Pháp. Bìa sách Người Bến Tre được tác giả chọn hình ảnh Lục Vân Tiên đánh giặc Ô Qua. Gợi lại cho chúng ta hình ảnh nghĩa hiệp, hào sảng của chàng trai họ Lục và hơn thế nữa ảnh bìa còn phác hoạ sự đấu tranh gian nan trong buổi mở cõi “Dưới sông sấu lội, trên rừng cọp um”.

Với phần nội dung gồm 15 chương, sách đã mang đến cho bạn đọc một cái nhìn tổng quan về vùng đất Đồng Khởi từ quá trình hình thành, phát triển đến những cột mốc khó quên trong phong trào chống xâm lăng.

Từ chương 1 tới chương 4 tác giả đã lý giải về tên gọi Bến tre, lịch sử của các cha ông ta từ thuở mang gươm đi mở cõi. Bốn chương này giúp cho người đọc quay về với quá khứ của một thời khai hoang, lập ấp. Những người sống trên mảnh đất này họ là ai và từ đâu đến, làm thế nào để sinh tồn được giữa 3 dãy cù lao đầy hiểm nguy, khi chỉ có 2 mùa nước nổi và nước ngập mặn,..vô vàn những khó khăn, trắc trở. Để trả lời cho những câu hỏi trên thì các bạn hãy chăm chú đọc kỹ phần đầu của quyển sách. Đây là phần hé mở cho chúng ta biết về cách hình thành của vùng đất xứ Dừa.

Từ chương 5 đến chương 8 gồm những câu chuyện cụ thể, sống động về những nhân vật văn hóa, lịch sử gắn liền với vùng đất Bến Tre như cụ Nguyễn Đình Chiểu một nhà thơ, một thầy thuốc, một nhà giáo dùng ngòi bút của mình để cổ vũ cho phong trào kháng chiến, đã kích thực dân Pháp đến hơi thở cuối cùng. Người thầy giáo giỏi Võ Trường Toản được vua Gia Long phong tặng là Gia Định Xử sĩ Sùng Đức Võ tiên sinh. Tiếp nối trong phong trào chống xâm lăng có Nguyễn Ngọc Thăng người lãnh binh đầu tiên của Bến Tre. Tất cả đã kết tinh lại thành truyền thống yêu nước hào hùng của Ông cha và làm nên cuộc cách mạng rung trời, chuyển đất của đội quân tóc dài 1960 làm thay đổi cả cục diện toàn Miền Nam.

Bến Tre có được gọi là vùng đất văn học? Theo tôi nghĩ là có vì đây là nơi sản sinh ra tiến sĩ đầu tiên của Nam kỳ lục tỉnh - Phan Thanh Giản, hay là quê hương của nhà bác học ngôn ngữ học nổi tiếng thế giới Trương Vĩnh Ký. Càng khâm phục hơn khi người chủ đầu tiên của tờ báo nữ giới lại là Sương Nguyệt Anh người con gái của Cụ Đồ Chiểu. Rất nhiều tấm gương kế cận ưu tú đã được quyển sách phát hoạ mang tính kế thừa từ các bậc tiền nhân.

Ở các chương cuối nêu bật văn hóa “dừa” đến đời sống của người dân, thông qua cây dừa mà miêu tả và bộc bạch tâm tình nhận xét của tác giả về  người con nơi đây. Nói đến dừa tôi lại nhớ 2 câu thơ nổi tiếng của nhà thơ Lê Anh Xuân

 

“Tôi lớn lên đã thấy dừa trước ngõ

Dừa ru tôi giấc ngủ tuổi thơ.”

Từ đó cho thấy hình ảnh dừa đã ăn sâu vào trong đời sống của người dân nơi đây. Món đồ dùng sinh hoạt làm bằng thân dừa, làm nhà cũng bằng cột dừa, lợp nhà bằng lá dừa,…Trong ẩm thực cũng chịu ảnh hưởng sâu sắc từ dừa như: tép rang dừa, bánh xèo, lá cách nước cốt dừa,…ôi đủ các món ngon mà người Bến Tre cảm thấy tự hào; mỗi vùng miền luôn có đặc sản văn hoá riêng, Bến Tre cũng mang cho mình một nét riêng biệt từ cách nói đố đến nói thơ Lục Văn Tiên, hát sắc bùa Phú Lễ, những nét văn hoá này chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi nền nho học từ các bậc tiền nhân. Bên cạnh đó cũng có nét vui tươi, hóm hỉnh, phóng khoáng mang đậm tính cách của những người đi khai hoang.

Tác phẩm này đã được chắt lọc kĩ càng bởi vô số tài liệu khảo cứu tổng hợp khắp mọi miền của tổ quốc tạo tính chân thật và sống động qua nhiều hình ảnh, tư liệu cũng như qua giọng văn mộc mạc chân quê của nhà văn Lê Minh Quốc. Từ đó có thể cảm nhận được tình yêu nồng nàn của tác giả dành cho vùng đất này bởi không chỉ từ vốn tư liệu mà ông còn tự mình dấng thân vào cuộc hành trình, gặp gỡ, trò chuyện với nhiều người để sống cùng “Người Bến Tre”.

Thật vô cùng vinh dự và tự hào bởi tôi là một người con Bến Tre và may mắn được đọc quyển “Người Bến Tre” - một quyển sách thú vị cuốn người đọc vào cuộc phiêu lưu, khám phá về vùng đất anh hùng để thấm nhuần lịch sử  vùng đất của những con người kiệt xuất. Mỗi trang sách sẽ là tư liệu quý nhằm phục vụ cho công tác nghiên cứu tìm hiểu và học tập về Bến Tre. Cá nhân tôi tuy đã đọc trọn quyển sách nhưng mỗi lần được đọc lại “Người Bến Tre” sự lôi cuốn của quyển sách làm tôi cứ muốn đọc hoài không thôi, đọc để phát hiện ra thêm nhiều tư liệu có giá trị và bài học mà ông cha ta truyền lại cho hậu thế. Bản thân tôi cũng là một viên chức Thư viện đang công tác tại Thư viện Nguyễn Đình Chiểu tỉnh Bến Tre, tôi cần làm tốt hơn vai trò là cầu nối đưa trí thức đến với cộng đồng, giới thiệu đến bạn đọc xa gần về quyển sách ý nghĩa “Người Bến Tre”, để người dân địa phương cũng như bạn bè trên khắp mọi miền tổ quốc biết đến quê hương Đồng Khởi - một vùng quê giàu truyền thống yêu nước, bất khuất, kiên trung.

“Xứ dừa sao gọi Bến Tre

Khi đi xa nhớ lòng nghe nỗi niềm

Hàm Luông, Cửa Đại, Cổ Chiên

Ba Lai sóng vỗ cuối miền Cửu Long!”

 

Đọc những câu thơ của nhà thơ Đình Thu gợi nhớ về xứ dừa càng thêm khẳng định tình yêu thương tha thiết mà tôi mãi dành cho nơi đây. Trải qua hàng trăm năm lịch sử qua bao bể đổi thay, người dân Bến Tre đã góp phần xây dựng và phát triển quê hương ngày càng giàu đẹp, trở thành 3 dải cù lao xanh ngát bóng dừa với đầy đủ các tiềm năng phát triển kinh tế, hội nhập quốc tế. Tiếp nối với những gì cha ông ta để lại thì thế hệ mai sau, thế hệ người trẻ cũng phải giữ gìn, phải ngày một phát huy thật tốt tiềm năng vốn có của tỉnh nhà tiến tới định hướng phát triển bền vững. Hiện tỉnh Bến Tre của chúng ta đã xây dựng tầm nhìn, khát vọng đến năm 2045 để phát triển toàn diện và hoàn thiện 5 tiêu chí “đáng sống, thu nhập tốt, xanh sạch, thân thiện và hiện đại”. Quyển sách “Người Bến Tre” đã khép lại với đầy sự kì vọng, tin yêu đến từ thế hệ tiếp nối những con người đang từng ngày xây dựng tỉnh nhà thêm giàu đẹp, phồn vinh.

 

Phân loại: 
Tác giả: 
Lê Minh quốc
Năm xuất bản: 
Nhà xuất bản Trẻ - 2020