
Nhằm phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng, nhắc lại truyền thống yêu nước nhân kỷ niệm ngày Thương Binh Liệt sĩ 27/7 Thư viện Nguyễn Đình Chiểu tỉnh Bến Tre xin giới thiệu đến quý bạn đọc tác phẩm Nhật kí Đặng Thùy Trâm, được nhà xuất bản Hội nhà văn ấn hành năm 2005, với 322 trang, khổ 21 cm. Mời các bạn hãy cùng tôi đắm mình trong từng dòng tâm trạng của chị Đặng Thùy Trâm để hiểu đất nước Việt Nam đã lớn lên từ lớp lớp người đầy lòng quả cảm và yêu chuộng hòa bình.
Liệt sĩ, Bác sĩ Đặng Thùy Trâm sinh ngày 26/11/1942 trong một gia đình trí thức Hà Nội. Tháng 6/1966 chị tốt nghiệp Đại học Y khoa Hà Nội. Lẽ ra, chị có thể tìm được cho mình một công việc theo đúng ngành nghề ở Hà Nội. Nhưng, theo tiếng gọi thiêng liêng của miền Nam ruột thịt,người con gái Hà Nội ấy đã xung phong vào miền Nam, làm nhiệm vụ của một người thầy thuốc trong thời gian chiến tranh chống Mỹ cứu nước. Năm 1970, trong khi làm nhiệm vụ, chị bị quân thù phục kích và anh dũng hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ, chỉ mới chưa đầy 28 tuổi. Hành trang để lại trước lúc hy sinh chỉ có cuốn nhật ký được bắt đầu viết từ tháng 4 năm 1967, ghi chép lại đủ mọi chuyện từ việc chạy chữa cho thương binh, việc chạy trốn sự truy sát của quân Mỹ, việc 5 lần dỡ bỏ rồi dựng lại phòng mổ đến những cảnh tượng kinh hồn mấy lần ẩn nấp dưới hầm bí mật tưởng chết đến nơi…
Nhật kí là thế giới riêng của người trí thức trong thời kỳ chiến tranh nhạy cảm mà không yếu đuối, tha thiết với cuộc sống mà không hề sợ hãi trước những gian nan. Ở đó, ta bắt gặp một Đặng Thùy Trâm với ý thức rõ ràng về trách nhiệm của một bác sĩ. Chị yêu thương mọi người, hết lòng tận tụy với công việc, chăm lo cho bệnh nhân đến từng chi tiết nhỏ. Chị đau nỗi đau của mỗi bệnh nhân mình chăm sóc. Còn gì đau xót hơn khi một người bác sĩ, trong điều kiện thiếu thốn không thể cứu sống những bệnh nhân của mình mà chỉ có thể bất lực nắm lấy bàn tay họ, nhìn họ ra đi mãi mãi? Bên cạnh đó, chị vẫn dành cho mình một cuộc sống riêng tư, vẫn có những băn khoăn trăn trở trước tình yêu, trước cuộc sống phức tạp hàng ngày, vẫn có những nhớ nhung, nỗi buồn của một người con gái, nhưng đồng thời chúng ta cũng thấy được một ý chí mãnh liệt, những lời nói tự động viên, cảnh tỉnh, một lòng can đảm phi thường - những điều đã làm nên một thế hệ anh hùng.
Có một câu nói tôi còn nhớ chị đã viết trong quyển nhật kí làm tôi phải suy nghĩ rất nhiều "Đời phải trải qua giông tố nhưng chớ cúi đầu trước giông tố." Ở
“Nhật kí Đặng Thùy Trâm”, ta nhìn thấy sự lạc quan đến kinh ngạc của những người lính chiến sĩ cách mạng đã thắp lên ngọn lửa quyết thắng của dân tộc, ngọn lửa của tự do, của hòa bình ! Sự tận tụy và hết lòng vì đất nước của chị khiến những người lính Mỹ đứng bên kia chíến tuyến cũng phải kính trọng và cảm phục. Trong một lá thư gửi cho mẹ của liệt sĩ Đặng Thùy Trâm ngày 2-5-2005 Fred - người giữ cuốn nhật ký đã viết:
"...Con gái bà đã một mình chiến đấu với 120 lính Mỹ để bảo vệ các bạn mình. Ở
bất cứ đất nước nào trên thế giới điều đó đều được gọi là ANH HÙNG và những người anh hùng đều được tất cả mọi người tôn kính, dù người đó là đàn ông hay đàn bà.
Cũng từ đây, ta lại thấy ánh sáng chói lọi của tình đồng đội, tình người cao cả tột cùng, mà chắc hẳn nếu không ở trong hoàn cảnh gian lao, khổ cực như thế, người ta sẽ chẳng tìm thấy được. Biểu hiện cao nhất là chị đã xả thân, chấp nhận hy sinh khi nổ súng vào kẻ thù để bảo vệ đồng đội của mình.
Những dòng nhật ký ngắn gọn mà tha thiết làm toát lên toàn bộ lý tưởng sống và ý chí bất khuất, kiên cường của cả một lớp thanh niên thời đại Hồ Chí Minh. Khát vọng một ngày hoà bình lập lại trên quê hương của Đặng Thuỳ Trâm cũng là khát vọng của hàng triệu triệu con người Việt Nam lúc bấy giờ.
Năm 2005, cuốn nhật ký lần đầu được công bố tại Việt Nam dưới dạng đăng nhiều kỳ trên báo. Rất nhiều độc giả sau khi đọc xong đã cắt báo để giữ lại rồi chuyển cho người khác đọc. Sau đó cuốn nhật ký được in thành sách với số lượng lần đầu 30 vạn bản và nhanh chóng trở thành sách bán chạy hàng đầu ở Việt Nam. Năm 2009 sách được dựng thành phim với tên "Đừng đốt" và giành được giải Bông Sen Vàng tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 16 . Đừng nghĩ rằng chỉ có những nhà văn mới có thể viết sách. Đặng Thùy Trâm - nữ bác sĩ với một tâm hồn dạt dào cảm xúc đã viết nên một câu chuyện dù câu từ không được trau chuốt tỉ mỉ , nội dung cũng không chọn lọc và logic, không thủ pháp nghệ thuật ảo diệu nhưng "có lửa".Thật ra chị không ý định viết để cho thế hệ chúng ta đọc, mà chị viết đơn giản bằng một niềm tin sâu thẳm trong lòng mình. Cái cần ở một nhà văn chính là thả hồn mình vào tác phẩm. Còn riêng chị, chị viết về cuộc đời mình, ấy là chị đã hóa thân mình vào đó.
Cuốn nhật kí kì lạ của nữ bác sĩ - liệt sĩ như một "chiếc cầu nối giữa quá khứ với hiện tại" đã tạo nên một hiện tượng văn hoá đọc đặc biệt. Cầm trên tay cuốn sách giản dị và chân thật, từng câu từng chữ đều có sức tác động mạnh mẽ tôi tự hào vì mình được sinh ra trên đất nước này. Tuổi trẻ hôm nay đời đời biết ơn sự hy sinh của các thế hệ cha ông và nguyện sống xứng đáng với những hy sinh cao cả đó. Chúng ta- những thanh niên thế hệ Hồ Chí Minh hãy học tập chị Đặng Thùy Trâm trong bài học về tình yêu thương con người, nghị lực sống, lòng dũng cảm, sự khoan dung…,về tinh thần trách nhiệm trong công việc, với gia đình, bản thân và xã hội; về niềm tin như chị đã có niềm tin trong trận thử thách cuối cùng.
Bài: H.Hồng