
Cuốn sách “Chạy trời không khỏi đau có lẽ không phải là cuốn sách đầu tiên viết về góc khuất của ngành y, nhưng giọng văn thâm thuý của tác giả là yếu tố chính hấp dẫn khiến độc giả không muốn bỏ qua tác phẩm này.
“Chạy trời không khỏi đau” của Adam Kay với độ dài 372 trang, khổ 14x23cm, do nhà xuất bản Kim Đồng ấn hành năm 2020. Quyển sách là nội dung quyển nhật kí bí mật của một bác sĩ trẻ được viết vội sau những giờ làm việc kéo dài như vô tận, sau những ca trực trắng đêm không một lần chợp mắt và những ngày cuối tuần dành cả cho công việc. Những trang nhật ký có trong quyển sách, có ngày dài cả trang, có ngày chỉ vỏn vẹn vài dòng, đã lột ra trần trụi những nỗi khổ mà bác sĩ phải trải qua và đối mặt hằng ngày. Nhật kí bí mật của Adam Kay như bản báo cáo không khoan nhượng về thời gian tác giả đứng trong hàng ngũ bác sĩ tiền tuyến. Hài hước, choáng váng và đau đớn, cuốn sách này chứa tất cả những gì bạn muốn biết, và không ít thứ bạn không muốn biết về cuộc sống bên trong và bên ngoài bệnh viện.
Điểm khác biệt ở đây, chính là khi đọc cuốn nhật kí của bác sĩ, bạn đọc sẽ chú ý tới việc bác sĩ Adam Key đã từ bỏ cái nghiệp hiện tại để trở thành một nhà biên kịch. Điều này khiến người đọc dần hình dung ra hằng loạt những trăn trở, khó khăn, thở than, bộc bạch về công việc và mọi thứ đã được tác giả kịch tính hoá hoặc hài hước hoá. Nhưng sau tất cả, tác giả vẫn truyền đạt được hai điều quan trọng và mạnh mẽ nhất. Một là nỗi đau và tình yêu của tác giả với nghiệp bác sĩ. Hai là Tình yêu này mãi mãi không bao giờ biến mất trong cuộc đời của bất cứ ai đã theo đuổi ngành y.
Người đọc sẽ nhận ra rằng, tất cả sự xéo xắt, bông đùa của tác giả chỉ như một lớp đường rắc vào cho câu chuyện bi kịch ngành y bớt cay đắng. Như Adam Kay viết “Người ngoài nghề chẳng bao giờ hiểu được mức độ khắc nghiệt trong công việc của một bác sĩ và tác động của nó đến đời sống của một cá nhân”. Cách nhìn nhận về y đức không chỉ đòi hỏi đạo đức của bác sĩ hay nhân viên y tế, mà còn phải bao gồm đại đức của bệnh nhân và đạo đức của những cơ quan chịu trách nhiệm quản lý ngành y. Bởi nếu y đức chỉ dồn lên đôi vai của bác sĩ, thì cũng như kết thúc của quyển sách. Áp lực, trách nhiệm với công việc sẽ đẩy một người dù mang tình yêu sâu sắc vẫn chấp nhận đành từ bỏ. Mở đầu bằng tiếng cười hài hước nhưng lại kết thúc bằng nước mặt và sụp đổ “Họ đâu biết bác sĩ chỉ có một lựa chọn duy nhất là quên đi bản thân hoặc bỏ mặc bệnh nhân”.
Thông qua quyển sách, tôi và sẽ có nhiều người nữa sẽ nhận ra rằng thực tại khắc nghiệt của “nghề bác sĩ”, để có cái nhìn chân thật hơn, khách quan hơn, nhìn nhận cảm thông sâu sắc với những con người mang sứ mệnh bảo về sức khoẻ; hay có thể giành giật lại từng sinh mệnh. Sách giúp hiểu ra được giá trị cuộc sống là lòng nhân ái và cảm thông và nghề nghiệp nào cũng đáng trân quý.
Sách đang được phục vụ tại thư viện Nguyễn Đình Chiểu. Xin giới thiệu đến quý bạn đọc.
BàiGTS, ảnh: Hồng Mai